Trong cuộc sống, bạn sẽ rất nhiều lần đối mặt với khó khăn, cảm thấy bế tắc và mất phương hướng. Trong những thời điểm đó, chỉ có bản thân bạn mới có thể giúp chính mình đứng lên và kiên cường hơn trước sóng gió.
Nếu bạn đang tự hỏi liệu có phải năm 2020 của mình đang quá tồi tệ hay không? Đừng quá lo nghĩ về nó, vì có một sự thật rằng đây không phải vấn đề của riêng bạn. Năm 2020 với ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 đã dẫn đến sự khủng hoảng trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Thật khó để duy trì sự mạnh mẽ khi mọi thứ diễn ra đang vượt ngoài tầm kiểm soát.
Khi thuyết giảng về sức hấp dẫn của sự sống, Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: "Chỉ có HAI ngày duy nhất trong năm mà bạn không thể làm gì được. Một cái có tên là ngày hôm qua, và cái còn lại được gọi là ngày mai. Hôm nay chính là ngày thích hợp nhất để tin, yêu, hành động và sống cuộc đời của riêng bạn". Bạn sống trong hiện tại, làm mọi thứ vì hiện tại. Vì thế. bạn chỉ có thể quên đi những điều tồi tệ từ quá khứ và làm những điều tốt đẹp trong hiện tại để cải thiện tương lai.
Những lời khuyên dưới đây có lẽ không thể thay thế cho những dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp, hay giải quyết vấn đề của bạn, nhưng chắc chắn rằng chúng sẽ đóng vai trò quan trọng như những bước chuẩn bị về thể chất và tinh thần, giúp bạn không hoảng hốt trước những bước chuyển khó kiểm soát trong cuộc sống của mình.
1. Hít thở sâu
Thực chất, điều khiến bạn lo lắng là tương lai với những điều chưa biết chứ không phải những điều đang xảy ra ở hiện tại. Khi những cảm xúc tiêu cực bắt đầu xâm lấn, dường như khó có ai có thể khống chế bản thân ngừng suy nghĩ về những điều tiêu cực mà vốn dĩ nó chưa xảy ra như “ tôi sắp mất nhà ”, “tôi sắp mất việc”, “tôi phải sống như thế nào khi sắp tới công ty sẽ cắt giảm nhân sự do dịch bệnh”, ….
Một cách để tập trung và suy nghĩ tích cực, sáng suốt hơn là tập hít thở. Thử hít thở theo quy tắc 2 - 1, thời gian thở ra dài gấp đôi thời gian hít vào. Quá trình này sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm của bạn, và kích thích cơ thể bạn bình tĩnh trở lại.
2. Áp dụng kỹ thuật HALT để tự chăm sóc bản thân
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy tiêu cực đang xâm lấn mình, hãy sử dụng kỹ thuật HALT để xác định xem liệu vấn đề thể chất có tác động vào tâm trạng của mình hay không. HALT là viết tắt của đói (hungry), tức giận (angry), cô đơn (lonely) và mệt mỏi (tired), lần lượt là những điều bạn nên kiểm tra khi cảm thấy tâm trạng không tốt. Mặc dù phương pháp này không có tác dụng giải quyết vấn đề của bạn, nhưng nó có thể giúp bạn rèn luyện cách tự chăm sóc bản thân tốt hơn.
Bạn sẽ không làm được gì khi bạn đói hoặc căng thẳng đến mức giới hạn. Hãy nắm bắt rõ tình trạng cơ thể mình, cho phép mình ăn một bữa nhẹ nếu cảm thấy đói. Nếu cảm thấy tức giận, hãy thử viết một lá thư để giãi bày những điều đang sôi sục trong lòng bạn, nó sẽ hiệu quả để quản lý cơn giận dữ. Và lựa chọn chợp mắt một chút là hợp lý nếu bạn thấy mệt.
3. Phác thảo những gì bạn có thể kiểm soát
Đừng bao giờ suy nghĩ về một dấu chấm hết cho mọi việc. Một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Hãy viết một danh sách những gì bạn có thể kiểm soát được để nhìn thấy những giải pháp tích cực cho mỗi vấn đề. Ví dụ như, bạn không thể ngăn việc sếp sa thải mình - nhưng bạn hoàn toàn có thể chỉn chu lại CV của mình và sẵn sàng tìm kiếm những cơ hội mới. Bạn không thể buộc chủ nhà không bán ngôi nhà bạn đang thuê - nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm các lựa chọn nhà ở khác có giá cả phải chăng hơn.
4. Hãy từ bỏ những điều bạn không thể kiểm soát
Học cách từ bỏ điều mình không thể là rất quan trọng để loại bỏ những áp lực và cảm xúc tiêu cực. Bạn có thể sử dụng thực hành chánh niệm để buông bỏ những điều bạn không thể kiểm soát. Một khi bạn giảm bớt gánh nặng trong việc cố gắng thay đổi điều gì đó nằm ngoài phạm vi của mình, bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn cho những việc và những người quan trọng hơn mà bạn có thể ảnh hưởng.
5. Nuôi dưỡng cơ thể thật tốt
Khoa học đã phát hiện ra mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và tâm trạng của con người. Cụ thể, những thay đổi thành phần vi khuẩn trong ruột có thể ảnh hưởng đến rối loạn tâm thần, tự kỷ và bệnh Parkinson. Khi kết hợp sai các loại thực phẩm, bạn có thể sẽ vô tình loại bỏ hệ vi sinh vật đường ruột. Do đó, những gì bạn ăn có thể khiến tâm trạng tồi tệ hơn hoặc tốt hơn.
Cố gắng tránh các loại thực phẩm có chứa bột mì đã qua chế biến, vì quá trình sản xuất những món ăn này đã lấy đi các chất dinh dưỡng quan trọng. Thay vào đó, hãy chọn các loại hạt, ngũ cốc – thực phẩm có nhiều khoáng chất tốt cho tâm trạng hoặc ăn cá thay vì thịt đỏ vì nó có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn.
6. Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên
Tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để cải thiện tâm trạng. Mỗi ngày, hãy hứa với bản thân rằng bạn chỉ cần tập thể dục khoảng 10 phút. Bạn có thể tải các app hỗ trợ tập luyện trên điện thoại để được nhắc nhở và hỗ trợ tập luyện.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, khi bạn bắt đầu nhận được lượng endorphin từ quá trình tập luyện, bạn có thể sẽ chỉ muốn kết thúc việc này. Đừng từ bỏ, một thể chất khỏe mạnh sẽ tạo nền tảng cho những năng lượng tích cực. Kiên trì một thời gian và bạn sẽ thấy những hiệu quả.
7. Nói không với rượu và chất kích thích
Rượu có thể làm rối loạn mức độ dẫn truyền thần kinh của bạn. Nó tác động đến dopamine, glutamate, GABA - tất cả đều ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Tin tôi đi, rượu không làm bạn tốt hơn. Nó chỉ tạm thời làm "đóng băng" cảm xúc của bạn, nhưng sau đó bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nhiều. Chính vì vậy, hãy nói không với rượu và chất kích thích, đặc biệt là những thời điểm tâm trạng không tốt và có xu hướng tiêu cực.
8. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ mạng lưới quan hệ
Khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn, con người thường có xu hướng cô lập bản thân với những suy nghĩ tiêu cực như “không ai quan tâm đến vấn đề của tôi,” và, “mọi người đều có nhiều vấn đề cần giải quyết, không thể làm phiền họ”… Điều đó là không nên.
Con người luôn tồn tại trong một hệ thống với nhiều mối quan hệ. Chính những mối quan hệ đó sẽ nhắc nhở bạn về giá trị tồn tại của bạn trong cuộc sống. Có những người sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn mà không cần quan tâm đến công việc, nhà ở hay số tiền trong tài khoản của bạn. Đừng cô lập mình mà hãy mở lòng để tìm kiếm nhiều cơ hội hơn và khẳng định sự tồn tại của bản thân.
9. Làm việc tốt
Nghe có vẻ mỉa mai, nhưng điều tốt nhất bạn có thể làm khi cảm thấy thất vọng là giúp đỡ một người khác. Đó là bởi vì làm việc tốt có thể làm tăng mức serotonin và oxytocin - các chất dẫn truyền thần kinh, giúp cải thiện tâm trạng.
Ví dụ như dừng lại và giúp đỡ người ăn xin bên đường. Vài điều tử tế đơn giản trong cuộc sống sẽ không chỉ sưởi ấm trái tim những người khó khăn xa lạ, mà còn đem đến cho bạn sự an ủi trong những lúc thất vọng nhất. Bởi vì ít nhất, cho đến hiện tại, bạn vẫn có thể giúp đỡ người khác.
10. Cố gắng ngủ ngon hơn
Một giấc ngủ ngon sẽ đem đến một tinh thần phấn chấn, năng động cho ngày mới và ngược lại. Vì vậy, đảm bảo một giấc ngủ chất lượng là rất quan trọng. Trong hoàn cảnh khó khăn khi mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, con người sẽ dễ rơi vào tình trạng mất ngủ do lo lắng hoặc trầm cảm. Đừng ngại ngần dành chút thời gian để khám bác sĩ.
Ngoài ra, có một số biện pháp phổ thông để cải thiện chất lượng giấc ngủ như uống một ly sữa ấm, sử dụng nhưng thực phẩm tốt cho giấc ngủ, tắm nước ấm, đọc sách thay vì dùng điện thoại trước khi ngủ....
Theo Medium
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn