Bạn tự hỏi tại sao một người nào đó giỏi giang, thông minh đến vậy? Đơn giản vì họ đã áp dụng 4 quy luật thú vị dưới đây vào cuộc sống của chính mình.
Nhà tâm lý học người Mỹ William James và nhà vật lý Carlson là một đôi bạn thân. Một ngày, James nói sẽ có "mẹo" buộc Carlson phải nuôi một con chim. Carlson nghe nhưng không tin. Đến sinh nhật của người bạn thân, James tặng Carlson một chiếc lồng chim rất đẹp và tinh tế.
Không lâu sau, Carlson phát hiện ra một chuyện rất kì lạ, bất cứ ai khi tới nhà anh, nhìn thấy lồng chim đều sẽ hỏi chim đâu. Lúc mới đầu, Carlson còn kiên nhẫn giải thích với từng người một rằng bản thân trước giờ không nuôi chim, cái lồng đó chỉ là được một người bạn tặng. Nhưng, số người hỏi vẫn không dừng lại, khiến Carlson cảm thấy rất phiền phức. Cuối cùng có một ngày, Carlson ra tiệm mua một con chim về cho vào lồng. Đây chính là "hiệu ứng lồng chim".
"Hiệu ứng lồng chim" chỉ con người nếu ngẫu nhiên có được thứ mà mình vốn dĩ không cần, vì muốn tránh lãng phí hoặc vì những nguyên nhân khác, họ sẽ có ý thức hoặc vô thức tiếp tục mua thêm nhiều thứ mà họ không cần khác. Đặc điểm của "hiệu ứng lồng chim" đó là, ám thị tâm lý mà nó sản sinh ra sẽ ảnh hưởng tới hành vi của chúng ta.
Bạn hoàn toàn có thể lợi dụng điều này để giúp bản thân hình thành nên những thói quen tốt như thói quen đọc sách, tập thể dục buổi sáng hay thức dậy sớm hơn mỗi ngày. Nói là không cần thì cũng không phải. Vậy bạn sẽ áp dụng nguyên tắc "hiệu ứng lồng chim" này như thế nào?.
Lấy ví dụ ngay với việc tạo lập một thói quen đọc sách. Thay vì chỉ nghĩ rằng mình sẽ đọc sách bạn hãy mua ngay cho mình một cuốn sách và đặt ở vị trí mà nhiều người có thể nhìn thấy. Điều này vô tình sẽ khiến nhiều người nhìn thấy và tác động ngược trở lại bạn khi thường xuyên hỏi bạn "bạn đã đọc cuốn sách này chưa?" hay "cuốn sách đó có hay không?" và rất có thể một ngày nào đó bạn sẽ ngồi xuống và đọc cuốn sách đó.
Ở Mỹ có câu chuyện khá nổi tiếng: Công ty Ford có một dây chuyền phải ngừng hoạt động do động cơ bị hư hỏng. Công ty đã cử nhiều kỹ sư sửa nhưng không ăn thua, cuối cùng nhờ đến Steinmetz (người sau này là một giáo sư nổi tiếng). Steinmetz chậm rãi quan sát động cơ, sau đó vẽ một đường thẳng tại một vị trí trên bản vẽ, rồi nói: "Thiếu một cuộn cảm biến ở đây". Sau khi phía Ford thay thế cuộn dây, động cơ tiếp tục hoạt động ổn định.
Người giám đốc vô cùng vui mừng, hỏi Steinmetz chi phí. Ông trả lời: 10.000 USD (thời đó, các kỹ sư hàng đầu của Ford chỉ kiếm được 5 USD mỗi tháng). Ông giám đốc khựng lại, Steinmetz viết vào một tờ giấy dòng chữ: "Vẽ một đường: 1 USD. Biết nơi để vẽ đường đó: 10.000 USD". Biết chuyện, chủ tịch Ford không chỉ chấp thuận trả tiền Steinmetz, mà còn mời ông về làm việc.
Cuộc sống là như vậy. Khi bạn thấy ai đó giải quyết vấn đề một cách đơn giản, bạn nghĩ mình cũng có thể làm được. Nhưng thực tế khó hơn thế rất nhiều lần. Nhà bác học Einstein đã kết luận: "Việc khám phá vấn đề có ý nghĩa hơn tất cả". Nhà văn Anh Rudyard Kipling nói: "Phát hiện vấn đề luôn quan trọng hơn giải quyết vấn đề, viết ra vấn đề là bạn đã giải quyết được nó một nửa".
Chúng ta thường rối lên khi gặp vấn đề, nhưng lại không muốn yên lặng suy nghĩ trong vài chục phút. Thế nên, những người giỏi giang, thông minh nhất không phải người hành động đầu tiên, mà là người chịu suy nghĩ để phát hiện ra vấn đề nhanh nhất.
Hiệu ứng ấn tượng ban đầu
Ấn tượng ban đầu là yếu tố quan trọng nhất ngay tại thời điểm mới tiếp xúc và ấn tượng này sẽ phải mất rất lâu sau mới phai mờ, với điều kiện bạn có điều kiện tiếp xúc đủ nhiều để người ấy có thời gian hiểu bạn. Vì vậy, nếu không đầu tư cho ấn tượng ban đầu ngay từ đầu, rất có thể khi bạn chưa kịp thể hiện những kĩ năng giao tiếp của mình, người đối diện đã ngay lập tức từ chối bạn.
Nếu một người để lại ấn tượng tốt trong lần giao tiếp ban đầu, thì những lần sau đó, mọi người sẵn sàng tiếp xúc với anh ta. Hiệu ứng đơn giản này ai cũng biết, nhưng nó lại mang theo những quy luật tâm lý phong phú.
Theo nghiên cứu khoa học, não bộ giúp chúng ta "dán nhãn", tức là phân loại và sắp xếp những người và những sự vật, sự việc mà chúng ta nhìn thấy. Khi tiếp xúc với các đối tượng đó, chúng ta sẽ hình thành một khuôn khổ nhận thức trong tâm trí, một khi đã hoàn thiện thì rất khó thay đổi.
Do đó, hiệu ứng ấn tượng ban đầu vô cùng quan trọng, mà chỉ cần nắm bắt chính xác nó, bạn có thể tạo ra một bầu không khí tích cực giữa các cá nhân, và từ đó, có được những yếu tố thuận lợi cho cuộc sống, cho sự nghiệp của mình .
Định luật "bức tượng biết lắng nghe"
Trong các tích cổ Trung Hoa có truyện: Một nước nhỏ cống tiến cho Đường Huyền Tông 3 bức tượng người vàng, bề ngoài trông giống nhau, nhưng trong đó có một bức quý nhất. Rất nhiều đại thần tham gia vào việc phân loại nhưng đều không thành công. Cuối cùng, có một vị đại thần lấy ba sợi tơ đặt vào tai của ba bức tượng. Bức tượng thứ nhất, sợi tơ rơi ra từ chiếc tai bên kia. Bức tượng thứ hai, sợi tơ rơi ra miệng. Bức thứ ba, sợi tơ rơi xuống bụng. Vị đại thần nói, bức thứ ba là quý nhất. Ông giải thích, ba bức tượng tượng trưng cho ba loại người. Kiểu thứ nhất là nghe tai trái ra tai phải, hoàn toàn không biết lắng nghe. Loại thứ hai, nghe gì nói thế, thiếu suy nghĩ. Chỉ có kiểu người thứ ba, biết lắng nghe, giữ trong lòng để ngẫm nghĩ, như vậy mới là khôn ngoan nhất.
Như người xưa nói: "Người khôn ngoan không khoe việc mình làm, nước thâm sâu không bao giờ cho thấy đáy", chính là như vậy.
Theo Trí Thức Trẻ