Tôi hay bị táo bón, ăn nhiều rau xanh để cung cấp chất xơ nhưng vì sao vẫn không cải thiện? (Phú Long, TP HCM)
Trả lời:
Táo bón là triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa dẫn đến đại tiện khó khăn, gây cảm giác đau rát. Nguyên nhân phổ biến do mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, ít vận động, tác dụng phụ của một số loại thuốc, thói quen thường xuyên nhịn đại tiện, ăn uống chưa hợp lý.
Trong đó, dung nạp ít chất xơ là nguyên nhân gây táo bón thường gặp nhất. Ăn nhiều dưỡng chất này (có nhiều trong rau) là cách được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều chất xơ không hòa tan, ít chất xơ hòa tan có thể khiến phân đặc, cứng, táo bón nặng thêm.
Chất xơ không hòa tan (không tan trong nước, không bị vi khuẩn đường ruột phá hủy) có nhiều trong các thực phẩm như bông cải xanh, măng, cà rốt, atiso, ngũ cốc, các loại hạt, đậu. Chất xơ không hòa tan giúp thức ăn dễ dàng đi qua dạ dày, hỗ trợ cân bằng độ pH, ngăn ngừa viêm nhiễm đường ruột.
Chất xơ hòa tan có nhiều trong rau mồng tơi, rau đay, rau lang, đậu bắp, khoai lang, cam, bưởi, đu đủ, thanh long. Chất xơ này tan trong nước, giống gel giúp phân dễ dàng di chuyển theo đường tiêu hóa.
Lượng chất xơ được khuyến nghị mỗi ngày là khoảng 30-38 g với nam và 25 g với nữ. Cứ 1.000 calo ăn vào nên có khoảng 14 g chất xơ. Mỗi người nên được bác sĩ tư vấn để có chế độ hấp thu dưỡng chất phù hợp.
Để cải thiện táo bón hiệu quả, bạn cần cung cấp đủ nước, ăn đủ bữa, đi vệ sinh đều đặn hàng ngày. Thường xuyên vận động và bổ sung thêm lợi khuẩn góp phần cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Táo bón cũng có thể do nguyên nhân bệnh lý như tổn thương, khiếm khuyết cấu trúc đại trực tràng, có vấn đề về nhu động ruột hay một số rối loạn chuyển hóa như suy giáp... Đây là những nguyên nhân gây táo bón ít gặp, chiếm khoảng 5-10%. Nếu bị táo bón bất thường, kéo dài, bạn nên đi khám để điều trị.
Nguồn tin: VNEXPRESS
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn